Lão nông Đinh Công Viên bên những chiếc máy do mình sáng chế. Ảnh: L.N
Chỉ được học đúng một tháng để “xóa mù”
Chúng tôi gặp ông Đinh Công Viên tại quê nhà thuộc xóm 5, xã Khả Phong, huyện Đình Bảng, tỉnh Hà Nam khi ông đang kéo chiếc máy tẽ ngô đi làm thuê khắp làng xóm. Gặp ông, ai cũng phải ngỡ ngàng trước hình dáng nhỏ bé, gầy gò của “cụ kỹ sư” đã ở vào cái tuổi 87. Ông Viên bảo: “Tôi sinh ra là con nông dân, không được ăn học tử tế, nhưng với đam mê chế tạo máy móc nên bất cứ việc gì, ở đâu tôi cũng cố nghĩ ra những phương tiện có thể giảm tải sức lao động”.
Ông Viên cho biết, ông là con thứ hai trong gia đình nghèo có ba chị em. Cuộc sống khó khăn nên từ nhỏ ông đã không được đi học. Năm 20 tuổi ông lập gia đình, sau đó tình nguyện tham gia dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi đi bộ đội ông chỉ kịp học qua 1 tháng lớp bình dân học vụ tại quê để xóa nạn mù chữ, đủ để ông lắp ghép chữ cái và đánh vần tiếng Việt.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông rời chiến trường và làm đủ thứ nghề, lang bạt khắp các tỉnh để kiếm kế sinh nhai. Năm 1985, ông quyết định trở về quê mong an cư lập nghiệp. Hàng ngày bươn trải với cuộc sống đồng ruộng, cảm nhận rõ vất vả của người dân, ông nghĩ: “Có điện để sử dụng, tại sao không thử làm một chiếc máy sản xuất thay thế chân tay?”.
Nhận thấy nỗi vất vả của gia đình, vợ con khi quanh năm chân lấm tay bùn với rất nhiều công đoạn trong sản xuất và thu hoạch nông nghiệp, ông đã nảy ra ý tưởng sáng chế máy công cụ nhằm rút ngắn thời gian làm việc cho nông dân; đồng thời ông cũng mong muốn được giúp bà con nhân dân nơi ông sinh sống có thể giảm đi sự vất vả, cơ cực mỗi khi vụ mùa đến, rút ngắn thời gian để sản phẩm nông nghiệp của người nông dân không bị hư hỏng. Ông Viên cho biết: “Ngày trước dân tình khổ lắm! Ban ngày đi làm quần quật, tối về đến nhà ăn cơm xong cũng không kịp nghỉ ngơi gì phải gù lưng ra bóc tách ngô. Nhìn khổ quá, tôi nghĩ mình phải chế tạo ra một cái gì đó để giải phóng được sức lao động cho người dân”.
Hàng xóm chế nhạo, người nhà can ngăn vẫn quyết làm
Được nhận nhiều giải thưởng quý giá nhưng cuộc sống của ông Viên vẫn khá vất vả.
Năm 1987 ông bắt tay vào nghiên cứu, sáng chế máy tách ngô. Đầu tiên, ông phải phá một chiếc máy tuốt lúa đạp chân rồi gò các móc sắt, chế thêm nắp đậy, sàn lăn hạt, sàn xả lõi rồi hồi hộp thử máy. Nhưng khi đổ ngô vào đầu này thì nó lại chui ra đầu kia nguyên xi. Vậy là, khởi đầu đã thất bại!.
Sau nhiều lần suy nghĩ, ông Viên bắt đầu tìm mua máy khoan, máy nổ, máy tiện, rồi tự mày mò học cách sử dụng để chế tạo máy. Thấy ông mua sắt thép, động cơ máy nổ đã qua sử dụng về nhà chế máy, hàng xóm đã không tiếc lời chế nhạo, có người còn nói “chế không xong, nhớ bán phế liệu cho họ”. Người thân cũng ra sức khuyên ngăn khi thấy ông tiêu một số tiền lớn mà chưa thành công, ông Viên bỏ ngoài tai tất cả. “Tôi nghĩ mọi việc khởi đầu bao giờ cũng khó khăn, quan trọng là mình dám đối mặt thì sẽ làm được. Ban ngày đi làm, tối về tôi lại tự mày mò làm rồi tự đúc kết kinh nghiệm cho riêng mình”, ông Viên cho hay.
Sự miệt mài của ông cuối cùng cũng có kết quả, đến năm 1999, máy tẽ ngô của ông đã giúp người nông dân có thể bóc tách ngô một cách nhanh chóng và chuẩn xác, tiết kiệm công sức và thời gian. Sau đấy, ông tiếp tục sáng chế ra những chiếc máy với những chức năng khác nhau như: Máy nghiền ngô, máy cắt cỏ, máy chế biến thức ăn cho gia súc, máy gieo cấy trên đồng ruộng.
Tiếng lành đồn xa, chiếc máy tẽ ngô đầu tiên của ông Viên nhanh chóng được nhiều người biết đến. Ông Viên cho biết, công suất lúc đầu của máy tẽ khoảng 6 tạ trong vòng 1 tiếng, tức là nhanh gấp hàng trăm lần so với chân tay. Với chiếc máy này, ông Viên trở thành thợ tẽ ngô thuê nổi tiếng ở Hà Nam.
Không chỉ dừng lại ở đó ông còn miệt mài nghiên cứu thêm các chức năng khác của chiếc máy này. Năm 2004, ông hoàn thành thêm 5 chức năng khác nhau như: Vò lúa, vò đậu tương, vò đậu xanh, tuốt lạc, đập rễ ngô và nhiều công dụng phụ khác. Ông Viên cho biết, cấu tạo của chiếc máy “5 trong 1” rất đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được, bao gồm những bộ phận: Đầu nổ, bệ đặt máy, bánh xe để lăn, vỏ bao bọc để khỏi tung tóe, bộ phận làm việc có quả lu, băng tải, mu li, dây cu roa, sàn lăn hạt, sàn xả lõi, sàng và bộ phận tách bóc.
Để có được sản phẩm với nhiều tính năng độc đáo, ông Viên phải 3 lần tháo ra, lắp lại rồi thay đổi vị trí của từng bộ phận. “Tôi chưa hề nghĩ rằng sẽ nản chí nếu thất bại, ý nghĩ phải sáng chế ra chiếc máy thay thế sức lao động của người nông dân đỡ vất vả hơn không cho phép tôi bỏ cuộc”, ông Viên chia sẻ.
Gần 90 tuổi vẫn kéo máy đi khắp làng để làm thuê
Đã gần 90 tuổi, lưng còng, đầu bạc, lẽ ra ở cái tuổi này, nhiều người đã chọn cách nghỉ ngơi, an dưỡng và được con cháu phụng sự, nhưng với ông Viên lại khác. Cuộc sống vốn khó khăn, nên 8 người con của ông đều đi làm ăn xa, ít khi về chăm sóc ông được. Do đó, trong vùng cứ thấy ai gọi đi tẽ hạt là ông nhận ngay. Hàng ngày, với chiếc xe đạp cũ kĩ cùng chiếc máy nặng gần 2 tạ do mình sáng chế, ông đi hàng chục cây số từ nhà này đến nhà khác để làm thuê cho người ta. Ông thành thật: “Chỉ cần giúp cho người dân đỡ vất vả thì nghèo khó bao nhiêu cũng đáng!”.
Gần như cả cuộc đời ông chỉ suy nghĩ làm sao tạo ra thật nhiều máy móc để phục vụ nông nghiệp, giúp cho nông dân bớt đi những vất vả, khó nhọc bởi cảnh “một nắng hai sương” rất cơ cực, nhất là vào mùa hè nóng bức. Với ông Viên, mục đích ông sản xuất máy đa năng không phải để kiếm tiền. Chính vì thế, hành nghề mười mấy năm nay, bán ra thị trường hàng trăm chiếc máy cho khắp các vùng miền rồi nhưng ông vẫn không có đủ tiền để mở riêng cho mình một xưởng cơ khí. Ở sân nhà của ông, chính là nơi hàng ngày chế tạo ra những chiếc máy kỳ diệu đó.
“Những chiếc máy của tôi gọi là bán vậy chứ mọi vật dụng tôi đều phải mua ngoài về lắp ghép, công cán chẳng được bao đồng song đổi lại những chiếc máy tôi tạo đã có hiệu quả thiết thực, giúp được bà con trong khâu sản xuất và thu hoạch. Đó mới là niềm vui lớn nhất đối với tôi”, ông Viên nói.
Không những thế, ông Viên còn sản xuất ra cả những chiếc máy tẽ ngô đơn giản được quay bằng tay nhưng công suất cũng rất cao. Những chiếc máy này được dành bán cho những nông dân ở vùng sâu, vùng xa những nơi chưa có điện lưới hoặc dành cho các hộ nông dân có số lượng ngô ít. Mỗi chiếc máy như vậy chỉ có giá trên 100.000 đồng. Ông còn chế tạo thêm 7 loại máy khác để phục vụ cho nông dân như máy băm, máy thái thức ăn cho người và gia súc, máy nghiền bột, máy vừa gieo hạt đậu tương lại vừa có chức năng cày bừa, vun xới nhưng cũng chỉ được bán với mức giá từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng mỗi chiếc máy.
Hiện tại, ông Viên đang thử nghiệm chiếc máy cấy mạ trên nền đất mềm rất hiệu quả và được bán với giá rẻ. Khác hẳn với các loại máy khác có mặt trên thị trường, máy mà ông Viên làm ra sẽ có công suất gấp hàng trăm lần so với cấy mạ thủ công. Ông Viên hi vọng, khi chiếc máy cấy hoàn thành, nó sẽ giải phóng sức lao động và đem lại hiệu quả cao cho nông dân.
Những công sức mà ông Viên bỏ ra thực sự đem lại giá trị hữu ích cho nông dân. Ông Viên đã được Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam và Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam trao tặng Cúp Vàng sáng tạo và nhiều bằng khen khác.
Với những sáng tạo của mình, ông Viên đã nhiều lần nhận được giải thưởng cao quý. Năm 2011, ông vinh dự nhận giải ba cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ V. Năm 2013 ông cũng vinh dự nhận được Huân chương Lao Động hạng Ba do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng… Đặc biệt, ngày 8/1/2016 ông vinh dự nhận được giải thưởng KOVA lần thứ 13 tại TP HCM (hạng mục Kiến tạo Khoa học công nghệ ứng dụng) do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng và nhiều bằng khen khác.
|
Theo P.Bình - H.Trang (Báo Gia đình & Xã hội)